Các chiến lược giảng dạy giúp học sinh hình thành phương pháp học, hiểu được thế mạnh của bản thân và thích nghi với các thay đổi hiệu quả. Neil Flemming và David Baume đã chỉ ra trong nghiên cứu năm 2008 về những phong cách học tập khác nhau của học sinh như học qua thị giác, thính giác hay chuyển động.
Điều này cho thấy, các chiến lược giảng dạy của giáo viên cần sự đa dạng và linh hoạt để thúc đẩy động lực học tập của học sinh, đặc biệt là với lớp học trực tuyến khi có sự hạn chế về tương tác trực tiếp.
ClassIn và Twinkl gợi ý cho các thầy cô 6 chiến lược dạy học trực tuyến cực hữu ích:
1. Xây dựng bài giảng và tài liệu trực quan
Những học sinh tiếp thu hiệu quả qua phương thức học bằng thị giác (visual learner) sẽ tương tác tích cực hơn nếu được tiếp xúc với các tài liệu trực quan. Việc thiết kế slide trình chiếu bài giảng vì vậy đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh hình ảnh và video, hãy sử dụng biểu đồ, infographic, biểu tượng, hay hình động, cùng kết hợp màu sắc hợp lý giữa phông nền và chữ để học sinh dễ theo dõi.
Ngoài ra, một số hình thức khác vận dụng công nghệ cao hơn đó là trình chiếu các mô hình 3D, thực tế tăng cường cũng góp phần làm bài học thêm sinh động. Giáo viên còn có thể nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh và in sẵn các tài liệu như flashcard, tranh ảnh trực quan để hướng dẫn học sinh sử dụng trong giờ học.
2. Giảng dạy dựa trên câu hỏi (Inquiry-based learning)
Đối với lớp học trực tuyến, tương tác là yếu tố nền tảng để giúp học sinh học tập hiệu quả hơn. Inquiry-based teaching, hay giảng dạy dựa trên việc tích cực đặt câu hỏi là chiến lược mà giáo viên nào cũng nên áp dụng. Theo đó, giáo viên có thể đặt các câu hỏi trước khi bắt đầu bài giảng để kích thích học sinh suy luận (guided inquiry).
Một cách khác là đưa sẵn các mục tiêu hay kết quả của từng phần trong bài học và yêu cầu học sinh tìm ra phương thức dẫn tới kết quả đó (controlled inquiry). Cách này thường phổ biến trong giảng dạy các môn Khoa học Tự nhiên. Ngoài ra, giáo viên có thể cho phép học sinh tự do đặt các câu hỏi và trả lời theo cặp hoặc nhóm thảo luận (free inquiry).
Tuy vậy, đối với lớp học trực tuyến, học sinh đôi khi sẽ thụ động trong việc đặt hay trả lời câu hỏi do ảnh hưởng nhất định của môi trường học tại nhà. Vì thế, giáo viên cần tích cực kết hợp hình thức này với hoạt động làm việc nhóm, trò chơi hoặc các phần thưởng tuyên dương để học sinh thêm hứng thú.
3. Khuyến khích thực hành theo nhóm
Thực hành và thảo luận nhóm giúp học sinh chủ động định hướng phương thức học tập của bản thân. Đối với các lớp học trực tuyến khi có sự hạn chế về tiếp xúc trực tiếp, giáo viên cần xây dựng các bài tập và hoạt động để khuyến khích học sinh cùng nhau tìm ra giải pháp cho một vấn đề.
Giáo viên có thể xác định vai trò cho mỗi thành viên trong nhóm, chẳng hạn như: Người lãnh đạo nhóm để dẫn dắt cuộc thảo luận, người ghi chú để lưu lại các ý kiến của mỗi thành viên, người đánh giá để xem xét các ý kiến trái chiều và giúp nhóm đi đến kết luận chung, và người phát biểu là thành viên sẽ đại diện nhóm trình bày kết quả thảo luận.
Bằng cách vận dụng chức năng phòng thảo luận nhóm, giáo viên có thể chia thành viên dễ dàng và tham gia vào nhiều phòng họp khác nhau của học sinh để theo dõi quá trình thảo luận.
4. Phân cấp kiến thức và tài liệu
Differentiation hay phân cấp kiến thức là chiến lược giảng dạy khi giáo viên chia học sinh thành nhiều nhóm cấp độ dựa trên khả năng và sự tiến bộ của từng em, sau đó phân bổ tài liệu học tập phù hợp. Điều này càng cần thiết cho các lớp học trực tuyến khi sự theo sát của giáo viên bị ảnh hưởng bởi khoảng cách.
Vì thế, giáo viên nên nhờ đến sự giúp đỡ của phụ huynh tại nhà để lên kế hoạch bài giảng phù hợp. Theo cách này, với mỗi chủ đề, giáo viên có thể chuẩn bị nhiều câu hỏi hoặc bài tập từ mức độ từ dễ đến khó. Sau khi đánh giá và chia nhóm, các học sinh sẽ thực hành bài tập theo trình độ của mình và tiến bộ dần đều.
Giáo viên cũng có thể lên ý tưởng trò chơi khi thiết lập các “trạm kiến thức” khác nhau, mỗi nhóm học sinh sẽ từng bước thực hiện thử thách ở mỗi trạm và tiến dần lên các trạm khó hơn. Nếu như học sinh gặp khó khăn ở mức nào, giáo viên có thể ghi chú và chuẩn bị thêm các tài liệu ôn tập tại nhà cho học sinh.
5. Sáng tạo nhiều trò chơi
Học qua trò chơi là chiến lược giảng dạy mà nhiều giáo viên áp dụng ở các lớp học truyền thống để tăng cường tương tác với học sinh. Trong lớp học trực tuyến, các trò chơi cần được điều chỉnh đề phù hợp với việc thực hiện từ xa qua màn hình máy tính. Một số ví dụ trò chơi kích thích khả năng học tập đó là:
-
Trò chơi ghi nhớ: Trình chiếu thật nhanh các hình ảnh liên quan đến bài học, có thể là đồ vật, chữ cái, con số, sau đó yêu cầu học sinh ghi lại hoặc phát biểu về những gì đã nhìn thấy. Trò chơi này thích hợp để ôn tập từ vựng tiếng Anh, học về tên các địa danh trên bản đồ, bảng chữ cái hoặc đếm số đơn giản.
-
Trò chơi kể chuyện: Giáo viên cho học sinh xem một đoạn video hoạt hình về chủ đề môn học, có thể là truyện cổ tích tiếng Anh, sự kiện lịch sử hay tóm tắt tác phẩm văn học. Sau đó, yêu cầu học sinh kể lại, đóng vai hoặc lồng tiếng cho nhân vật.
-
Escape room: Với trò chơi này, mỗi nhóm học sinh sẽ tưởng tượng mình đang bị nhốt trong phòng kín và phải giải các câu đố để tìm ra lời giải cuối cùng thì mới có thể thoát ra. Giáo viên chuẩn bị sẵn các gợi ý bằng hình ảnh trình chiếu trên màn hình. Trò chơi này có thể sử dụng có môn tiếng Anh hoặc Toán.
6. Chiến lược quản lý lớp học
Không chỉ ở trường học, môi trường trực tuyến cũng đòi hỏi giáo viên phải trang bị những kỹ năng và chiến lược quản lý lớp học cụ thể. Việc học trực tuyến lâu dài tại nhà có thể khiến học sinh sao nhãng các kỷ luật vốn có.
Giáo viên cần đặt ra các quy định trước khi bắt đầu giảng dạy và khuyến khích học sinh tuân thủ với sự trợ giúp của phụ huynh. Hãy yêu cầu học sinh mở camera màn hình trong suốt thời gian học, tắt loa nói khi bạn cùng lớp đang phát biểu hoặc giáo viên đang giải thích bài giảng, hạn chế tiếng ồn trong không gian học tập tại nhà để tránh sao nhãng và ảnh hưởng tới lớp học.
Tuy nhiên, giáo viên cũng cần duy trì không khí tích cực trong lớp học bằng cách khen thưởng và tuyên dương thường xuyên. Ví dụ, giáo viên có thể thành lập “giờ khen thưởng” khi học sinh được tự do thực hiện hoạt động mình muốn sau khi đã hoàn thành bài tập đầy đủ, hay tạo ra một bảng tuyên dương online để trao phần thưởng nhỏ cho những em học sinh có thái độ tốt.
Làm chủ một lớp học trực tuyến hiệu quả là điều không dễ dàng với giáo viên. Vì vậy, bằng việc chuẩn bị các chiến lược giảng dạy đa dạng và sáng tạo, giáo viên có thể tiếp cận phương thức học tập của học sinh, đồng thời tạo động lực để học sinh vượt qua những hạn chế và khó khăn trong môi trường trực tuyến.
The point of view of your article has taught me a lot, and I already know how to improve the paper on gate.oi, thank you. https://www.gate.io/uk/signup/XwNAU