Trong thời đại công nghệ kỹ thuật 4.0, nhất là trong bối cảnh học trực tuyến, tôi đã được nghe nhiều giáo viên đồng nghiệp bảo nhau rằng cách duy nhất để làm các lớp học trực tuyến thú vị như các lớp học truyền thống đó là việc chia nhóm. Đối với những người đã luôn sử dụng cách chia nhóm để tiếp thêm “lửa” cho lớp học của họ, chúng tôi có một tin vui: Làm việc nhóm giờ đây đã khả thi nhờ tính năng chia nhóm ảo.
Chia phòng là một tính năng cao cấp của các nền tảng học trực tuyến hiện nay như Zoom, bạn có thể di chuyển học sinh của mình từ phòng học chính sang các phòng học phụ để thảo luận hoặc làm các hoạt động. Đó là một cách tuyệt vời để phá bỏ sự đơn điệu nhàm chán vốn có của việc nhìn qua màn hình, giúp các học sinh củng cố được các mối quan hệ của nhau cũng như là có thể tập trung sâu vào các nhiệm vụ được giao, khiến mọi thứ đi vào một trật tự guồng quay. Kể cả trong các cuộc thảo luận hay các lớp học bình thường, tính năng chia nhóm mang đến những cơ hội quý giá để đóng góp ý tưởng, tranh luận, khiến mọi người cảm giác gần gũi hơn, bất kể quy mô lớp học như thế nào.
Kể cả khi bạn chưa từng thử chia nhóm trong các lớp học truyền thống, chúng tôi khuyến khích bạn nên thử làm điều đó trên các lớp trực tuyến. Bài hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tính năng chia nhóm cũng như cách ứng dụng trong lớp học.
Thiết kế nhóm một cách hiệu quả
Nếu học sinh của bạn chưa từng được trải nghiệm qua tính năng chia nhóm, hãy cân nhắc chia nhóm nhỏ từ 2 đến 3 người để chúng làm quen. Hãy chọn một vài bài tập với thời gian làm cụ thể, sau đó cho phép chúng làm lố thời gian một chút so với trên lớp học truyền thống. Một khi học sinh cảm thấy dần quen và thoải mái hơn, bạn có thể mở rộng quy mô nhóm và tăng độ khó của bài tập.
Chúng tôi nhận thấy một nhóm có tầm 3 đến 7 người là lý tưởng, tùy thuộc vào khả năng, thời gian của học sinh. Bạn có thể đẩy nhanh tiến độ học tập bằng việc khuyến khích học sinh tiếp tục nghiên cứu sau giờ học; bạn có thể xem xét việc giao một nhiệm vụ mà bắt buộc học sinh phải hoạt động trên ứng dụng. Bạn cũng nên giao tiếp các nhiệm vụ phụ nếu học sinh hoàn thành sớm chẳng hạn như giải các bài tập bổ sung hoặc trả lời các câu hỏi có nội dung liên quan để làm cho các lớp học hiệu quả hơn. Dần dần, học sinh của bạn thậm chí có thể làm việc trực tuyến hiệu quả hơn làm trực tiếp, do chúng có thể gặp gỡ ngay lập tức mà không phải mất quá nhiều thời gian. Nhiều loại công việc sẽ cùng được thực hiện một lúc qua công cụ chia sẻ, giúp tối ưu hóa được thời gian làm việc.
Đa số các ứng dụng hiện nay cho phép bạn đặt sẵn nhóm nhỏ hoặc có thể tự chia ngay trong lớp học. Hãy cố ghi nhớ cách nhận diện học sinh của mình chứ không phải chỉ chia nhóm rồi xong. Tùy thuộc vào nền tảng bạn đang dùng, học sinh có thể làm các điều sau:
- Thay đổi tên hiển thị.
- Chọn một hình nền để đại diện cho nhóm. Bạn có thể tự đặt sẵn hoặc cho phép học sinh tự chọn.
- Chiếu lên tờ thông tin có bao gồm số thứ tự nhóm.Đối với những lớp học nhỏ, hãy cân nhắc việc để mỗi học sinh là 1 nhóm độc lập của riêng mình. Bạn có thể giao tiếp một cách riêng tư với học sinh đó, giúp học sinh đỡ ngại hoặc xấu hổ khi bày tỏ vấn đề/quan điểm của chúng.
Thời gian diễn ra của một cuộc thảo luận nhóm tối thiểu phải là từ 5 đến 7 phút. Kể cả 1 vấn đề đơn giản cũng cần thời gian để giải quyết vì những người được phân nhóm đó sẽ phải cùng nhau tìm ra tiếng nói chung và giải pháp. Đặc biệt là khi bạn phải thiết kế hay soạn thảo, việc mở các công cụ lên tốn khá nhiều thời gian.
Giao bài tập
Hầu hết các hình thức làm việc trong một lớp học truyền thống đều có thể được thiết kế lại thành các hoạt động trên lớp học trực tuyến, chẳng hạn như là thảo luận các câu hỏi, trò chơi động não, giải quyết vấn đề hoặc xây dựng một dự án dài hạn nào đó. Chúng tôi chia cho các nhóm các nhiệm vụ, có nhóm đảm nhiệm việc thuyết trình, có nhóm lại viết phần mềm, chuẩn bị bài viết…
Cách bạn kết hợp kết quả trong quá trình học tập tổng thể rất đa dạng tùy vào mục tiêu của bạn. Mục tiêu của bạn có thể là cung cấp cho người học cơ hội được tương tác trên lớp học ảo, tìm hiểu các tài liệu một cách cặn kẽ hơn, tạo nên một không gian mà ở đó học sinh có thể thỏa sức tham gia làm việc nhóm và học cách lãnh đạo hoặc để giúp bạn nâng cao khả năng đánh giá, sắp xếp vị trí cho từng học sinh.
Để bắt đầu, điều quan trọng nhất là bạn phải cần cho học sinh biết sơ lược qua nội dung của cuộc thảo luận để chúng chuẩn bị. Bạn cũng không nên giải thích quá lan man, điều đó có thể làm học sinh mất thời gian hiểu dẫn đến việc chẳng còn thời gian để giải quyết nhiệm vụ. Hướng dẫn của bạn nên xúc tích ngắn gọn, lý tưởng nhất là bao gồm các nội dung sau:
- Mô tả bài tập.
- Tiêu chuẩn bạn đề ra, cách nộp cũng như cách bạn đánh giá bài tập đó.
- Hạn nộp.
- Mô tả về cách các bài tập được sử dụng, các kỳ vọng của bạn cũng như là liệu bạn có chia sẻ cuộc thảo luận đó với các nhóm khác hay dùng làm tư liệu cho sau này không.
- Tư liệu được yêu cầu phải được xếp rõ ràng.
- Hướng dẫn về quy trình làm việc, bao gồm cả việc thao tác với các hệ thống âm thanh và video, cấu trúc nhiệm vụ.
Chúng tôi có thêm một lựa chọn nữa khuyên bạn áp dụng: Bạn nên liệt kê danh sách những trở ngại khi tham gia việc chia nhóm, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Hiểu hơn về các khó khăn mà học sinh gặp phải sẽ góp phần giúp bạn cải thiện trải nghiệm học tập của mọi người vào lần sau. Bạn có thể thu thập phản hồi ẩn danh hoặc yêu cầu những thành viên tham gia chia sẻ cảm nghĩ.
Hiển thị các hướng dẫn cho học sinh thấy rõ ràng trước khi chia nhóm và đảm bảo quyền truy cập sau khi chia nhóm. Trên một số nền tảng, bạn có thể trực tiếp đăng tải nội dung bạn muốn vào nhóm riêng, còn các nền tảng khác thì bạn phải sử dụng đến phần mềm thứ 3 như mạng xã hội hoặc email. Bạn nên thiết lập sẵn các công cụ và tài liệu cần dùng cho học sinh của bạn trong phạm vi cho phép của ứng dụng. Yêu cầu các học sinh luôn hiển thị chia sẻ màn hình để bạn có thể theo dõi tiến trình làm việc mỗi khi vào lớp.
Trước khi chia nhóm cho các học sinh, hãy hỏi chúng có có bất kỳ thắc mắc nào về nhiệm vụ và quy trình hay không. Việc giải quyết các vấn đề chung sẽ dễ dàng hơn khi ở 1 lớp lớn thay vì từng nhóm riêng lẻ. Việc chia nhóm có thể sẽ khiến các học sinh bỡ ngỡ, nhưng những điều vừa rồi sẽ giúp ích cho chúng rất nhiều.
Hợp tác làm việc nhóm
Trong mỗi nhóm làm việc, học sinh có thể tương tác qua các thông qua âm thanh và video, chúng cũng có thể chia sẻ các phần mềm lên để cùng nhau sáng tạo, bằng việc sáng tạo như vậy, các học sinh trong nhóm có thể tăng khả năng làm việc nhóm cũng như nhận xét lỗi sai của nhau. Bất kỳ phần mềm nào học sinh sử dụng trong các khóa học của bạn đều có thể được chia sẻ trong một nhóm ảo, từ các công cụ vẽ và chỉnh sửa văn bản đơn giản đến các phiên bản đầy đủ của bảng tính, trình xử lý văn bản, phần mềm trình bày, sơ đồ cộng tác, trình mô phỏng và môi trường lập trình cộng tác.
Có ba cách để học sinh thực hiện:
- Sử dụng chức năng được tích hợp trong các ứng dụng. Hầu hết các nền tảng đều bao gồm một bảng trắng hoặc trình soạn thảo văn bản cơ bản. Những công cụ này rất dễ truy cập trong phòng ảo. Học sinh có thể chỉnh sửa văn bản mà không cần cài đặt gì thêm ở máy mình.
- Sử dụng phần mềm chạy trên máy tính của cá nhân. Hầu hết các nền tảng sẽ cho phép các thành viên nhóm chia sẻ những gì trên màn hình của họ cho nhóm và thậm chí cho phép các thành viên nhóm khác trực tiếp chỉnh sửa. Cho phép người khác sử dụng máy tính cá nhân của một người có thể làm tăng rủi ro bảo mật, nhưng nếu bạn và sinh viên của bạn cảm thấy thoải mái với việc này, đây có thể là một giải pháp hiệu quả.
- Sử dụng các công cụ trên tệp lưu trữ đám mây. Mọi nền tảng của bên thứ ba đều có thể được áp dụng để làm việc. Hãy đảm bảo rằng học sinh có các liên kết cần thiết và thông tin đăng nhập tài khoản trước khi chia chúng vào các nhóm.
Khi bạn thiết lập những công cụ, hãy xem xem điều kiện của học sinh bạn như thế nào. Nếu họ xài laptop và có kết nối thì hãy cứ dùng tất cả những gì bạn muốn, nhưng nếu học sinh của bạn chỉ dùng điện thoại có kết nối chậm thì hãy cân nhắc sử dụng những công cụ cơ bản.
Giao tiếp với học sinh
Với tư cách là một người hướng dẫn, bạn có thể tham gia nhóm học ảo bất kì lúc nào bạn muốn, giống như việc bạn tham gia các nhóm trong lớp học truyền thống. Chúng tôi khuyên bạn luôn kiểm tra để chắc chắn rằng không học sinh nào gặp sự cố trong quá trình học, Một số nền tảng cũng cho phép học sinh thông báo với giáo viên nếu có điều cần giúp đỡ.
Bạn có thể gửi tin nhắn thông báo đến các nhóm đã được chia, điều này đặc biệt hữu ích trong việc cung cấp thông tin. Nhưng hãy nhớ rằng luôn giữ các tin nhắn ngắn gọn vì chúng chỉ có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn. Nếu không muốn, bạn có thể sử dụng thêm một phần mềm thứ ba để thông báo cho học sinh của mình.
Nộp báo cáo
Đừng bắt buộc các nhóm phải nộp báo cáo ngay lập tức vì một báo cáo có thể mất rất nhiều thời gian của học sinh. Bạn có thể gợi ý cho học sinh các cách làm giảm thiểu đi khối lượng thông tin mà chúng phải xử lý trong báo cáo. Thời gian là vàng bạc và chúng ta không nên lãng phí cho những báo cáo quá lan man.
Hãy nhớ rằng ở trong lớp thì vai trò của bạn và học sinh dưới danh nghĩa người dùng là giống nhau, thế nên nếu có khó khăn hoặc khúc mắc gì thì ta hãy cùng nên thảo luận để có thể cải thiện các vấn đề vào lần sau.
Khi sử dụng tính năng chia nhóm, bạn sẽ thấy các học sinh của mình gắn kết hơn rất nhiều. Không chỉ làm mới không khí học tập, bạn cũng có thể đem lại nhiều thông tin có giá trị cho bài giảng của mình. Các học sinh cũng sẽ làm việc được hiệu quả hơn khi chúng áp dụng những gì đã được học trong quá trình làm việc chung.