Dạy học sinh bàn luận về những chủ đề “nhạy cảm” như thế nào?

Các ví dụ điển hình cho cách dạy học sinh bàn luận về những tình huống khó nhưng cần thiết đối với sự phát triển của chúng.

Là những người làm về giáo dục, chúng ta luôn muốn học sinh của mình có tư duy phản biện và khả năng tranh luận về những chủ đề hơi “nhạy cảm” xoay quanh bản thân và bạn bè của chúng. Đặc biệt là trong bối cảnh mà “vũ trụ thì đa sự, con người lại đa đoan” như hiện nay, những trải nghiệm tranh luận trên sẽ góp một phần không nhỏ vào khả năng phát triển sự nghiệp, định hình nên bản sắc của riêng mỗi cá nhân học sinh. 

Tuy nhiên trong lúc tìm kiếm, tôi nhận ra rằng các chủ đề nhạy cảm đôi khi rất “khó nhằn”, thậm chí là rất đáng sợ nếu chọn ta chọn sai chủ đề. Nếu ta chọn sai, không chỉ mối quan hệ với các học sinh mà thậm chí danh tiếng của ta cũng sẽ bị đánh mất. 

Điều đầu tiên, cũng là điều quan trọng nhất để cuộc thảo luận không đi quá xa đó chính là đặt ra những luật lệ chung đối với các học sinh ngay khi bắt đầu khóa học. Bước tiếp theo là cứ tiếp tục củng cố những quy định này và biết cách điều tiết lại một chút nếu cuộc thảo luận đi lệch với mục tiêu ban đầu được đặt ra. 

Sau đây, tôi sẽ chỉ ra một vài cách để bạn có thể điều hướng các cuộc thảo luận cũng như là các ví dụ cụ thể về các điều bạn cần nói với học sinh tại một só thời điểm nhất định. 

 Khi bắt đầu lớp học

Nếu bạn đang dự định thảo luận về các chủ đề nhạy cảm cùng với học sinh, hãy cân nhắc về việc phổ cập luật lệ, chẳng hạn như là quy tắc 4 chữ T: tò mò, thẳng thắn, tử tế, táo bạo. 

Điều quan trọng nhất là hãy nhớ nói với các học sinh rằng chúng nên bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn. Một trong các nỗi sợ hãi mà học sinh thường hay mắc phải đó chính là sợ bị hiểu lầm hoặc không thể bảo vệ được quan điểm của mình. Quan điểm của tôi trong lớp học đó chính là luôn luôn “dân chủ”, học sinh có thể tranh biện bất cứ khi nào mà chúng muốn.

Một số ví dụ khác: 

  • -“Bạn cần phải có đủ dũng khí để có thể nói lên quan điểm của mình, và những người khác càng cần phải có nhiều dũng khí hơn để nghe hoặc chấp nhận những quan điểm khác / đối lập với quan điểm của bản thân”
  • -“Lắng nghe và thấu hiểu không cùng chung khái niệm với việc đồng ý. Luôn luôn khuyến khích học sinh cởi mở với quan điểm của nhau, tránh tình trạng bằng mặt mà không bằng lòng.”
  • -“Luôn luôn cư xử phải phép với người khác, phải đóng góp những ý kiến mang tính xây dựng chứ không phải châm chọc.”
  • -“Đôi khi ta không cố ý, nhưng những lời mà ta nói ra lại mang tính xúc phạm đối với người khác. Và bởi vì chúng ta đang ở trong cùng một môi trường lớp học, bất cứ khi nào bạn cảm thấy bị xúc phạm, hãy cứ dũng cảm bày tỏ quan điểm của mình mà không phải lo lắng rằng liệu mình có quá nhạy cảm hay không. Tôn chỉ của các lớp học luôn là việc giao tiếp, nhưng giao tiếp một cách lịch sự.

Nếu bạn đã từng có những tình huống thảo luận như vậy trong lớp, hãy cứ tiếp tục xây dựng nó và tìm cách tham gia nhiều hơn vào các cuộc trò chuyện trong lớp.

  • -“Hãy nhớ rằng sự thật thì luôn mất lòng, đôi khi ta phải “vào hang cọp mới bắt được cọp con”. Việc ta cứ tránh đi các vấn đề nhạy cảm mà chỉ chui rúc vào vùng an toàn của mình sẽ không giúp ích được gì cho bản thân ta.”
  • -“Không phải lúc nào những cuộc thảo luận đó cũng diễn ra suôn sẻ, nhưng quan trọng là ta phải luôn đi cùng nhau.”

Khi lớp học đang diễn ra

Đôi khi cuộc thảo luận sẽ diễn ra một cách bất ngờ và với tư cách là một giáo viên, ta nên nắm bắt cơ hội đó. Bạn không cần cứ chăm chăm trông chờ cơ hội để thảo luận mà hãy để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Bạn cũng không cần ngay lập tức bàn luận về chủ đề đó, thay vào đó bạn có thể để học sinh chuẩn bị tại nhà và bắt đầu thảo luận vào tiết học tới, như thế sẽ thú vị hơn rất nhiều.

Bất kể cuộc thảo luận có được chuẩn bị trước hay là tự phát, những trở ngại sẽ luôn luôn xuất hiện. Và lúc này trong đầu bạn sẽ xuất hiện 2 lựa chọn: hoặc là đương đầu hoặc là trốn tránh. Và khi chuyện đó xảy ra, ta không nên đổ lỗi cho học sinh mà hãy nhẹ nhàng mà giải quyết. Ta cũng không nên tỏ ra “nhất bên trọng, nhất bên khinh” vì sẽ làm cho các học sinh cảm thấy không công bằng, từ đó dễ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực.

Nếu bạn muốn giải quyết các tình huống “khó” một cách tế nhị, hãy để ý đến những điều sau:

  • -Bạn nên để ý đến sự khác biệt về văn hóa và các rào cản ngôn ngữ. Ví dụ như bạn nên đề cập đến các khách hàng như là “người có thu nhập thấp” chứ không phải “kẻ ở tầng lớp thấp”. Việc lựa chọn từ ngữ phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thảo luận trao đổi với nhau.
  • -Hãy nhớ rằng ai cũng có lần đầu của mình, và học sinh không phải là ngoại lệ. Có thể lần thuyết trình/thảo luận đó là lần đầu tiên mà học sinh bày tỏ ý kiến, cho nên cách chúng diễn đạt có thể hơi lộn xộn và không đi vào trọng tâm. Tôi luôn nói với học sinh của mình là “thành công không phải đích đến, thành công là một quá trình”, và con người ai cũng sẽ mắc sai lầm, đặc biệt là trong lần đầu tiên. Vì vậy tôi luôn cho học sinh cơ hội để làm lại và khắc phục lỗi sai trong quá trình thảo luận.
  • -Khi có một học sinh nó lên một quan điểm gây tranh cãi và không được phần đông công nhận, hãy nói với mọi người rằng có thể có những người khác cũng có chung ý kiến đó nhưng họ ngại lên tiếng. Ta nên thấy biết ơn học sinh đã nêu lên vấn đề đó như một sự khơi mào để thúc đẩy quá trình học tập trong lớp.
  • -Khi một nhận xét thiếu tế nhị được đưa ra, với vai trò là một người “cầm cân nảy mực”, hãy tiếp cận vấn đề đó dưới một con mắt tò mò và nghi hoặc( một cách tích cực). Bạn có thể hỏi học sinh đó thêm, “Hãy nói thêm cho chúng tôi nghe về những gì bạn đang nghĩ.” “Có phải tình huống lúc nào cũng như vậy không?” “Cảm nhận của những người khác trong lớp như thế nào?”
  • -Đôi khi cảm xúc của các cuộc thảo luận có thể bị đẩy lên cao trào. Con người thường có xu hướng cảm thấy xúc động/bùng nổ đối với những vấn đề quan trọng, đặc biệt là khi vấn đề đó có bao gồm bản thân. Thay vì trốn tránh, ta nên học cách chấp nhận các cảm xúc đó. Và ngay lúc đó, với tư cách là một người giáo viên, bạn nên gợi ý cho các học sinh của mình rằng “Có vẻ chúng ta đang đi quá giới hạn một chút, hãy cùng ngồi lại và phân tích xem vấn đề thật sự bắt nguồn từ đâu.” 
  • -Có những lúc ta chẳng cần phải lên tiếng khi học sinh sai. Chỉ cần một khoảng dừng ngắn hoặc một cái nhìn ngạc nhiên là đủ để báo hiệu cho học sinh biết rằng chúng đang sai và sẽ phải xem lại cách phản ứng của mình. 

Để áp dụng các điều trên vào thực tiễn, đây là một ví dụ kinh điển được rút ra từ chính bản thân tôi. Đã từng có một sinh viên quốc tế hỏi điều này trong buổi thảo luận trên lớp của tôi – “Vì sao người ta vẫn cứ lải nhải về nạn phân biệt chủng tộc trong khi đất nước này có một tổng thống da đen hoạt động hẳn 2 nhiệm kỳ?” – nhiều sinh viên tỏ ra rất sốc và phản ứng rất dữ dội. Tôi đã đứng ra làm dịu tình hình và hẹn các sinh viên sẽ lý giải tại sao họ lại phản ứng dữ dội như vậy.

Khi tình hình đã “nguội” đi một chút, tôi đã yêu cầu học sinh giải thích thêm về quan điểm của cậu ta, về những mối liên hệ cậu ta đã vẽ nên trước thềm cuộc thảo luận. Chúng tôi cũng thảo luận về phản ứng ban đầu của cả lớp – chúng tôi đã suy nghĩ gì khi nghe câu hỏi và tại sao? Trải nghiệm bất ngờ này giúp cả lớp hiểu sâu hơn không chỉ về các hình thức phân biệt chủng tộc mà còn về nỗi sợ bị xem là đang phân biệt chủng tộc khi ta đề cập đến các vấn đề nhạy cảm ấy. Cuối buổi học tôi cũng đã cảm ơn học sinh đó vì đã dám “mạo hiểm” khơi mào lên cuộc tranh luận, và anh ta cũng đã thừa nhận cuộc nói chuyện ngày hôm đó đã thực sự làm thay đổi suy nghĩ vốn có của anh ta về vấn đề phân biệt chủng tộc. 

Vào cuối buổi học

Các chủ đề nhạy cảm có thể trở nên cực kỳ đáng sợ nếu bạn không có phương án dự phòng để đặt ra giới hạn cho chúng. Tôi luôn dặn dò học sinh của mình rằng mục tiêu chính của chúng ta không phải là việc có được sự đồng thuận của toàn thể mọi người, mà là để hiểu sâu hơn và mở rộng suy nghĩ của chúng ta. Dưới đây là một vài điều mà bạn nên thực hiện. 

  • -Cảm ơn các học sinh vì đã tham gia cuộc thảo luận một cách đầy cởi mở và tôn trọng đến các vấn đề nhức nhối.
  • -Tổng hợp lại tất cả thông tin để cho mọi người cùng có cái nhìn bao quát hơn vấn đề cốt lõi, giả định, hàm ý…
  • -Khuyến khích học sinh phản ánh thêm sau buổi học.

Luôn chuẩn bị cho tất cả tình huống “khó”, kể cả tình huống ấy đã được định sẵn hoặc không. Nếu làm được vậy, sự lo lắng trong việc phải đối mặt với các tình huống phức tạp sẽ giảm đi rất nhiều, sẽ rất hữu ích nếu bạn có danh sách những việc cần làm trong thời điểm đó. Bạn không cần phải làm điều đó một cách hoàn hảo, quan trọng là bạn vẫn cứ tiếp tục làm không ngơi nghỉ với một tinh thần cầu tiến. 

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về giải pháp học trực tuyến ClassIn.